Chúng tôi đã gặp rất nhiều khách hàng gọi cho chúng tôi để được hỗ trợ khi hệ thống khí nén của họ gặp sự cố lớn. Điều đó thực sự đáng tiếc bởi nó đặt cả bạn và chúng tôi vào trong tình thế bị động. Một dịch vụ khách hàng dù có tốt đến bao nhiêu cũng khó có thể có mặt ngay lập tức để hỗ trợ bạn luôn được.
Trong khi thực tế, những vấn đề này không bao giờ nên để nó xảy ra với hệ thống khí nén. Đúng vậy, việc máy nén khí gặp sự cố đến mức phải dừng máy và ngừng cấp khí cho toàn bộ các thiết bị là điều không bao giờ nên để xảy ra với hệ thống khí nén bởi bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn nó bằng cách tuân thủ các công việc bảo trì bảo dưỡng cho máy nén khí theo đúng định kỳ.
Bảo trì bảo dưỡng máy nén khí là cách dễ dàng nhất và cần thiết để gia tăng tuổi thọ cho máy của bạn. Nó cũng đồng thời cũng giúp bạn phát hiện ra các lỗi tiềm ẩn của hệ thống trước khi nó trở thành lỗi lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.
Tuân thủ việc bảo dưỡng máy nén khí là công việc cần thực hiện nghiêm túc, nhất quán. Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí do hậu quả của việc không làm bảo dưỡng đúng định kỳ gây ra.
Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn các bước để làm bảo dưỡng máy nén khí định kỳ.
1. Thay dầu máy nén khí
Thay dầu máy nén khí có lẽ là công việc khó nhất trong các hạng mục thay thế bảo dưỡng định kỳ, bạn cần theo sát các bước dưới đây khi thực hiện công việc này:
– Trước khi thay dầu bạn cần mở nắp bình dầu để cho phép không khí xung quanh đi vào hệ thống.
– Mở đường xả dầu và xả toàn bộ dầu cũ ra một chiếc thùng hoặc xô. Xả cho đến khi cạn dầu mới thôi.
– Xả toàn bộ dầu trên két và các đường ống dẫn dầu.
– Đổ dầu mới vào máy nén khí (dầu theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc dầu chuyên dụng cho máy nén khí, chất lượng tốt).
Lúc này bạn có thể sẽ thắc mắc, vậy nên đổ lượng dầu như thế nào là phù hợp cho máy đúng không? Bạn có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây của chúng tôi để giải đáp những thắc mắc cho mình.
=> Những lưu ý quan trọng bạn cần phải biết khi tự thay dầu máy nén khí
2. Thay thế các bộ lọc (lọc dầu, lọc gió và lọc tách dầu)
Công việc thay thế các bộ lọc này rất đơn giản:
– Với bộ lọc gió máy nén khí, bạn chỉ cần dùng tay là có thể tháo được khoang chứa lọc gió ra. Sau đó bạn chỉ cần đặt lại theo đúng vị trí của bộ lọc cũ và đậy lắp bảo vệ phía ngoài là được.
– Với bộ lọc dầu máy nén khí: hầu hết các bộ lọc dầu đều có dạng spin-on (hình trụ), bạn cần dùng một chiếc kìm xích hoặc thiết mở lọc chuyên dụng là có thể xoáy ra nhẹ nhàng được. Sau đó, bạn chỉ cần dùng tay là có thể vặn bộ lọc vào được.
– Với bộ lọc tách dầu máy nén khí: lọc tách dầu thường có hai loại là dạng spin on (hình trụ) hoặc lọc tách được lắp trong bình dầu. Với lọc tách dầu dạng spin on, bạn có thể dễ dàng thực hiện giống như khi thay lọc dầu. Còn với lọc tách lắp trong bình dầu, sau khi xả toàn bộ dầu cũ ra thì bạn nên thực hiện đồng bộ thay dầu và thay lọc tách dầu cho máy.
3. Thay các phụ kiện hao mòn khác
Với nhiều máy nén khí, khi làm bảo dưỡng định kỳ bạn sẽ phải thay thêm một số chi tiết phụ tùng máy nén khí như: thay dây đai (đối với các máy nén khí dẫn động qua đây đai), thay các o-ring, kiểm tra bảo dưỡng các van và một vài chi tiết nhỏ khác. Song công việc chính và cần thực hiện với mọi máy nén khí khi làm bảo dưỡng là thay dầu và các bộ lọc.
4. Làm vệ sinh cho máy nén khí
Đối với công việc vệ sinh cho máy thì quan trọng nhất là bạn cần vệ sinh bộ két giải nhiệt cho máy. Nếu bộ két đơn thuần chỉ là bụi bẩn bám phía ngoài, bạn có thể chỉ cần dùng khí nén là xử lý được. Tuy nhiên, nếu bộ két có những cặn bẩn bám sâu bên trong hoặc nặng hơn là các keo dầu thì bạn cần vệ sinh, xúc rửa bằng nước và hóa chất chuyên dụng.
Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh quạt làm mát, các bộ lọc sơ cấp của máy nén khí và toàn bộ máy để những bụi bẩn của máy không theo luồng khí đi vào các bộ lọc.
Sau khi thực hiện các công việc xong, bạn chỉ cần khởi động máy và kiểm tra các thông số vận hành là đã hoàn thành xong các công việc bảo dưỡng định kỳ cho một máy nén khí. Bạn cần tuân thủ thực hiện các công việc này một cách nhất quán, chúng tôi chắc chắn bạn sẽ tránh được rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với máy nén khí đồng thời tiết kiệm được rất nhiều tiền cho hệ thống khí nén.
Về thời gian thực hiện bảo dưỡng máy nén khí sẽ tùy theo hãng khuyến cáo (thông thường là 3000 giờ hoặc 6000 giờ), bạn nên xem trong cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng máy nén khí của hãng máy đang sử dụng để biết chi tiết. Với những máy nén khí vận hành trong môi trường nhiều bụi bẩn, nhiệt độ cao và thời gian vận hành máy liên tục, các công việc bảo dưỡng sẽ được thực hiện sớm hơn khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ngoài ra, để có một hệ thống máy nén khí vận hành thông suốt, bạn cần quan tâm đến các yếu tố liên quan tới việc bố trí một phòng máy nén khí thông thoáng.
Xem thêm bài viết:
=> Sơ đồ lắp đặt hệ thống máy nén khí theo chuẩn
=> Tư vấn, thiết kế và lắp đặt máy nén khí